TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

XÃ ẢNG TỞ

Chào mừng quý bạn đọc đến với Cổng thông tin điện tử Huyện Mường Ảng
  • Tổng quan về huyện Mường Ảng
  • Thời gian đăng: 1/30/2021 7:00:00 AM
  • 1. Điều kiện tự nhiên: Huyện Mường Ảng được thành lập theo Nghị định 135/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của huyện Tuần Giáo cũ và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2007. Là huyện có địa hình phức tạp, được hình thành bởi các dãy núi cao, sườn dốc. Các dãy núi này phần lớn là núi đá vôi, rải rác khắp địa bàn huyện, nằm xen với các dãy núi đá vôi này là những thung lũng hẹp, khá bằng phẳng. Huyện nằm ở phía Đông tỉnh Điện Biên, trung tâm huyện là thị trấn Mường Ảng có vị trí địa lý 210 30 vĩ độ Bắc; 1030 15 kinh Đông. Tổng diện tích tự nhiên: 44.352,2 ha. Đặc điểm khí hậu: Khí hậu Mường Ảng mang đầy đủ những đặc điểm cơ bản của khí hậu vùng núi Tây Bắc Việt Nam, đó là khí hậu nhiệt đới núi cao, có hai mùa rõ rệt: + Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. + Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 tới tháng 10. + Nhiệt độ trung bình đạt khoảng 21 - 23oC. + Độ ẩm tương đối trung bình hàng năm đạt khoảng 86 - 90%. Điều kiện khí hậu ở Mường Ảng thích hợp với nhiều loại cây trồng vật nuôi, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để huyện có thể đẩy mạnh phát triển sản xuất đa dạng các loại các loại sản phẩm hàng hoá. * Đặc điểm về thuỷ văn: Là một huyện có hệ thống sông và suối tương đối ít và khá đơn giản. Trên toàn huyện không có sông lớn. Hệ thống suối của Mường Ảng chủ yếu bao gồm 04 con suối chính đó là: Suối Nậm Lạn, Nậm Lịch, Nậm Cô và Nậm Ẳng. Hệ thống suối của Mường Ảng có đặc điểm đều bắt nguồn từ các đỉnh núi cao, có độ dốc lớn, do vậy về mùa mưa thường dễ gây lũ đột ngột. * Đặc điểm về môi trường và thiên tai. Hiện nay môi trường của Mường Ảng đã và đang bị xâm hại, diện tích rừng bị suy giảm trong một thời gian dài, hiện tượng sói mòn, sạt lở đất đai thường xảy ra vào mùa mưa, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện. Là một huyện vùng cao của khu vực Tây Bắc, Mường Ảng cũng như nhiều huyện khác thường xuyên chịu ảnh hưởng của hiện tượng dông, mưa đá, sương muối... 2. Điều kiện kinh tế - xã hội: Toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn, trong đó: 8 xã vùng III hưởng chính sách 135, 02 xã vùng II. Tỷ lệ đói nghèo: 30,85%. Dân số: 49.427 người (tính đến 8/2020), trong đó: Dân tộc Thái: 71,71%; Mông: 14,12%; Kinh: 9,9%; Dân tộc khơ mú: 4,02%; Dân tộc khác: 0,25%. Số người trong độ tuổi lao động: 30.205 người. Nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trình độ dân trí thấp và không đồng đều giữa các vùng. Cơ sở vật chất trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn và chưa được đầu tư đồng bộ. 100% số xã cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn. 3. Dân số Dân số trung bình của huyện năm 2020 là 49,427 người, trong đó dân số nông thôn có 43,935 người chiếm 88,89% tổng dân số của huyện. Mật độ dân số đạt 111,47người/km2, phân bố không đều ở các xã trong huyện, phần lớn dân số tập trung đông ở các xã nằm ven trục quốc lộ 279 và các tuyến đường liên xã như: Búng Lao, Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Thị trấn Mường Ẳng. Trong thời gian qua Mường Ảng đã thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, tỷ lệ phát triển dân số 1,65%. Mường Ảng là đơn vị hành chính thành lập trên cơ sở được tách ra từ huyện Tuần Giáo, nền kinh tế của huyện còn kém phát triển, điểm xuất phát còn khá thấp so một số huyện khác trong tỉnh Điện Biên. Sự phát triển dân số sẽ có tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân trên địa bàn huyện. Do vậy để góp phần tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển một cách bền vững, ngay từ bây giờ Mường Ảng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch, đồng thời phải tiến hành việc bố trí dân cư một cách hợp lý trên cơ sở gắn với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở phát triển qui mô dân số ở từng giai đoạn, huyện cần có kế hoạch bố trí dân cư theo hướng tập trung có gắn với việc bố trí phát triển đô thị cùng các trung tâm thị trấn, thị tứ và các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đối với khu vực thị trấn Mường Ẳng, đây là trung tâm đầu não của huyện, hiện nay đã được qui hoạch khá chi tiết, do vậy cần được triển khai và giám sát việc thực hiện theo qui hoạch một cách nghiêm túc ngay từ bây giờ đối với tất cả các lĩnh vực như: Bố trí tổ chức không gian lãnh thổ, bố trí các điểm dân cư, các cơ sở sản xuất, các cơ quan hành chính, khu vui chơi giải trí.... 4. Lao động và chất lượng lao động. - Tính đến năm 2020, Mường Ảng có 30.205 người trong độ tuổi lao động, chiếm 61,11% tổng dân số của huyện, số lao động hiện đang làm việc 27.710. Cũng như các huyện miền núi khác, lao động của Mường Ảng phân bố không đều trong các ngành kinh tế, phần lớn số lao động này tập trung chủ yếu vào hoạt động sản xuất của ngành nông nghiệp, dịch vụ thương mại. Là một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (30,85%) và mật độ dân số thấp (111,47người/km2), đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, có tới gần 90% số dân sống ở nông thôn trong khi các ngành nghề phụ không phát triển, nhưng hầu hết người dân đều có việc làm tuy nhiên công việc lại mang tính thời vụ không thường xuyên, thời gian nông nhàn khá lớn (hàng năm bình quân có từ 2 - 4 tháng là thời gian rảnh rỗi). Hiện nay huyện đã và đang triển khai một số dự án phát triển cây công nghiệp trên địa bàn của nhiều xã, đây là cơ hội tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, nó sẽ góp phần giảm thiểu thời gian nông nhàn của bà con nông dân. - Về chất lượng nguồn lao động: Những năm gần đây chất lượng lao động ở Điện Biên nói chung và ở Mường Ảng nói riêng đã được cải thiện một bước. Tỷ lệ lao động không biết chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học cùng trung học cơ sở đã giảm dần, số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng nhanh trong các ngành kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp - xây dựng, và dịch vụ - thương mại. Song có thể đánh giá: chất lượng nguồn nhân lực của Mường Ảng hiện nay còn thấp so với các địa phương khác, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 chỉ chiếm khoảng 40,01% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế. Mặt khác, hầu hết lao động qua đào tạo đều là cán bộ, công chức làm việc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức đoàn thể... tập trung ở thị trấn Thị trấn Mường Ẳng. Tại các khu vực khác, số lao động có kỹ thuật hầu như không đáng kể. Nhìn chung nguồn nhân lực của Mường Ảng hiện còn rất nhiều bất cập cả về số lượng cũng như chất lượng và cơ cấu. Với tình trạng nguồn nhân lực như hiện nay, lao động của Mường Ảng chưa thể đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện cả hiện tại và trong tương lai. 5. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên. - Tài nguyên đất đai. * Diện tích và cơ cấu sử dụng đất. Huyện Mường Ảng có tổng diện tích đất tự nhiên là 44.341,44 ha, nhìn chung đất đai của Mường Ảng khá phong phú về chủng loại, thích hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt là các loại cây công nghiệp và cây lâm nghiệp. So với một số huyện khác như Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà... thì đất đai của huyện Mường Ảng khá phì nhiêu, có độ dốc không lớn lắm, tầng canh tác dầy. Theo số liệu thống kê năm 2020, diện tích đất nông - lâm nghiệp của huyện có 39.526,64 ha, chiếm 89,14%; trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 25.307,01 ha, đất lâm nghiệp có 14.219,63 ha; diện tích đất phi nông nghiệp có 1633,29 ha, diện tích đất chưa sử dụng có 3,181,51 ha so với tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. - Tài nguyên khoáng sản Nhìn chung Mường Ảng là huyện có ít tài nguyên khoáng sản, do chưa có điều kiện để thăm dò và đánh giá kỹ cho nên sơ bộ qua các tài liệu hiện có tới thời điểm này cho thấy: Tài nguyên khoáng sản của huyện Mường Ảng chỉ có một số loại chủ yếu như: Mỏ cát ở xã Búng Lao, mỏ đá ở Thị trấn Mường Ảng và xã Ẳng Nưa, đất sét làm gạch ngói ở khu vực Búng Lao, Thị trấn Mường Ẳng và một số xã khác trên địa bàn. Với nguồn tài nguyên khoáng sản như vậy, Mường Ảng ít có cơ hội để phát triển mạnh các ngành công nghiệp khai khoáng và công nghiệp sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Do vậy định hướng phát triển kinh tế của huyện trong thời gian tới đối với ngành công nghiệp cần tập trung vào đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản và một số ngành công nghiệp khác. - Tài nguyên du lịch. Là một huyện miền núi, có khí hậu mát mẻ, lại có vị trí nằm trên trục đường quốc lộ 279 nối liền giữa hai đô thị lớn của tỉnh Điện Biên đó là Thành phố Điện Biên Phủ và thị trấn Tuần Giáo, mặt khác lại gần với một số điểm du lịch quan trọng của tỉnh Điện Biên cho nên Mường Ảng có điều kiện phù hợp để xây dựng các điểm nghỉ dừng chân của du khách trong các tua du lịch đường dài nằm trên tuyến du lịch đi qua huyện. Với đặc điểm về địa hình khá đa dạng, có nhiều đồi núi và những cảnh quan đẹp, có thể khai thác để phục vụ phát triển du lịch, mặt khác Mường Ảng cũng là nơi địa bàn có con người đến cư trú khá sớm, Trong quá trình lịch sử phát triển, Mường Ảng đã từng bước đi lên với một cộng đồng dân tộc khá phong phú, hiện nay trên toàn huyện có nhiều dân tộc anh em khác nhau sinh sống như: dân tộc Thái, H Mông, Khơ mú, Kinh, Kháng,v.v... Mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá đặc trưng riêng gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể, những thiết chế văn hoá xã hội truyền thống của từng dân tộc,v.v... tạo nên một nền văn hoá phong phú, đa dạng, như người Hh,Mông, người Thái có chữ viết riêng, có phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt, và trong tín ngưỡng, hội hè... những nét văn hoá độc đáo đó chính là tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn thu hút khách du lịch trong thời gian tới. - Tài nguyên rừng và đất rừng. - Tài nguyên rừng: Tính đến năm 2020 diện tích đất lâm nghiệp của Mường Ảng là 14.219,63 ha chiếm 32,06% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, trong đó diện tích đất có rừng phòng hộ là 7.015,45ha và đất có rừng sản xuất là 7.204,45ha. Trong thời gian qua việc phát triển tài nguyên rừng của huyện đạt tỷ lệ chưa cao, hầu hết diện tích đất có rừng hiện nay đều là rừng phòng hộ (diện tích cây phân tán chiếm tỷ lệ không đáng kể). Phần lớn rừng ở Mường Ảng hiện nay có chất lượng và trữ lượng không cao, chỉ có tác dụng phòng hộ và cung cấp chất đốt, các loại gỗ quý như: lát, lim, nghiến, pơ mu, thông... hiện còn không nhiều. Các loại động vật quý hiếm đã bị suy giảm tới mức báo động. - Mường Ảng có diện tích đất lâm nghiệp tương đối thấp so với một số huyện khác như Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên...với tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn huyện là 14.219,63 ha. Tiềm năng về đất để duy trì và phát triển rừng của Mường Ảng là không lớn, do vậy trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc khoanh nuôi, bảo vệ, tu bổ diện tích rừng để từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng nhanh tỷ lệ che phủ của rừng nhằm thực hiện tốt chức năng phòng hộ và phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. - Tài nguyên nước và thuỷ năng. Với địa hình có độ dốc không cao lắm so với một số khu vực khác của tỉnh Điện Biên, nguồn tài nguyên nước của huyện không được dồi dào, trên địa bàn huyện không có sông lớn, ngoài một số suối chính như suối Nậm Lịch, suối Nậm Cô, Nậm Lạn, Nậm Ẳng.... Thuỷ năng có thể khai thác để phục vụ phát triển thuỷ điện tại chỗ được tập trung ở khu vực các xã Xuân Lao, Búng Lao. Nhìn chung tài nguyên nước và tiềm năng về thuỷ năng ở Mường Ảng là khá khiêm tốn, đặc biệt là nguồn nước sử dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn vào mùa khô. Hiện nay huyện đã và đang tiến hành xây dựng các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ cùng việc kiên cố hoá hệ thống kênh mương, cùng hệ thống hồ đập như hồ chứa Ẳng Cang, kè Búng Lao...
  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: