TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

XÃ NẶM LỊCH

Chào mừng quý bạn đọc đến với Cổng thông tin điện tử Huyện Mường Ảng
  • Về Mường Khoe nghe chiến sỹ Điện Biên Phủ kể chuyện gặp Bác Hồ
  • Thời gian đăng: 5/18/2017 7:00:00 AM
  • ĐBP - Chỉ một lần được gặp Bác, những kỷ niệm vô giá đã theo ông suốt cuộc đời. Hơn 60 năm đã đi qua nhưng từng hình ảnh, lời nói, tác phong, cử chỉ của Bác vẫn in đậm trong ông. Ông luôn lấy đó là một tấm gương sáng trong suốt cuộc đời mình và để giáo dục con cháu trong gia đình học tập, làm theo. Người có được may mắn ấy là ông Phan Anh Lâm ở khối 3, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) một cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
  • Không khó để chúng tôi nhận ra ông trong số các cụ già đang ngồi uống trà, đánh cờ ở khoảng sân nhỏ trước ngôi nhà cấp 4 đơn sơ. Một cụ ông dáng người thanh mảnh, nước da đồi mồi và có chòm râu trắng như cước. Mặc dù đã 88 tuổi đời, 58 tuổi Đảng nhưng ông vẫn toát lên vẻ khỏe khoắn, mạnh mẽ. Nhấp chén trà nóng hổi, ông kể: Sinh ra và lớn lên ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, tháng 7/1952 gia nhập quân ngũ, sau khi huấn luyện ông được bổ sung về Sư đoàn 312, Trung đoàn 141 (D16, C19) và chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Sau giải phóng Điện Biên, trở về đơn vị tại Đồi 3 huyện (một quả đồi nằm giữa 3 huyện: Tiên Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh). Vào một buổi tối tháng 1/1955, đơn vị ông thông báo sẽ có một cán bộ cấp cao đến thăm và tập trung toàn bộ tiểu đoàn. Đúng 7 giờ tối, vị khách đã xuất hiện với bộ quần áo kaki bạc màu, đầu đội mũ cát két và quấn khăn rằn. Người thì đoán đó là ông Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, người khác lại đoán đó là một vị cán bộ từ Trung ương xuống... duy chỉ có ""anh Sam"", người anh nuôi của đơn vị đã có lần đi dự hội nghị chiến sỹ thi đua toàn quốc thì nhận ngay ra đó là Bác Hồ. Anh Sam nhảy lên sung sướng và hô vang: ""Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!..."". Rồi cả đơn vị cũng hô theo. Lúc này Bác bỏ chiếc khăn cuốn trên đầu ra và tươi cười nói: Thôi các chú không phải đứng theo hàng ngũ nữa, quây quần cả lại đây bác cháu ta trò chuyện. Câu đầu tiên Bác hỏi: Các chú ăn có được no không? Ăn Tết có bánh chưng không, có giò không? Không ai bảo ai tất cả chỉ hô vang một câu ""có ạ"", thực tế thì khi ấy đất nước đang rất khó khăn, mỗi quân nhân chỉ được 7 lạng gạo mỗi ngày, trong đó dành 2 lạng để cứu đói nhân dân thì lấy đâu ra có bánh, có giò... nhưng khi nghe Bác hỏi ai cũng thấy ấm lòng và hạnh phúc. Hàng ngày ông Phan Anh Lâm vẫn thường xuyên đọc báo để cập nhật tin tức thời sự. Trong không khí ấm áp Bác lại hỏi tiếp: Các chú có biết chúng ta đánh thắng được thực dân Pháp là nhờ ai không? Nhiều cánh tay giơ lên kèm theo câu trả lời: Nhờ có Bác ạ! Bác lắc đầu cười: Không phải! lại có những câu trả lời khác được đưa ra: Nhờ Trung ương Đảng, nhờ quân đội... Bác vẫn lắc đầu và mỉm cười. Các chú nói đúng nhưng chưa đủ, Trung ương Đảng thì sáng suốt, quân đội ta thì mưu trí, dũng cảm nhưng không thể giành chiến thắng nếu không có nhân dân. Nhân dân là hậu phương vững chắc để quân đội có sức mạnh đánh thắng giặc Pháp và sau này còn đánh thắng cả đế quốc to hơn... Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, Bác ân cần dặn dò: Đất nước ta còn khó khăn, tất cả mọi người phải đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết thành một khối để tạo nên sức mạnh xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất non sông về một mối. Sau khi trò chuyện Bác muốn đi thăm đơn vị, một đồng chí cần vụ cầm cây đuốc đi theo, nhưng Bác không thăm hội trường, không thăm chỗ nghỉ mà đi thẳng xuống nhà bếp... Sau lần gặp Bác mọi người trong đơn vị như được tiếp thêm sức mạnh để học tập, rèn luyện và tăng gia lao động sản xuất. ông Phan Anh Lâm thì coi đó là một bài học lớn để mang theo suốt cuộc đời. Năm 1958, Sư đoàn 316 và Tiểu đoàn 16 của Sư đoàn 312 được điều lên Điện Biên làm kinh tế, đó cũng là cơ hội để ông Phan Anh Lâm trở lại Điện Biên. Năm 1960, đơn vị làm lễ hạ sao và ông trở thành công nhân của Nông trường Quân đội. Theo tiếng gọi của Đảng, năm 1967 ông tiếp tục ở lại Điện Biên xây dựng kinh tế và về làm việc tại Nông trường Mường Ảng. Năm 1984 được Nhà nước cho nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia nhiều cương vị công tác ở địa phương. Đến năm 1997 khi nông trường giải thể, thị trấn Mường Ảng được thành lập ông lại được Đảng và Nhà nước tin tưởng cử giữ chức Chủ tịch UBND thị trấn, sau đó làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, rồi Chủ tịch Cựu chiến binh thị trấn. Dù ở cương vị nào ông Lâm cũng luôn là cán bộ mẫu mực, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và luôn tâm niệm mình là Bộ đội Cụ Hồ, phải sống làm sao cho xứng với danh hiệu cao quý đó. Những năm gần đây, do tuổi cao sức yếu ông về công tác tại khu phố ở nhiều cương vị khác nhau nhưng vẫn thường xuyên qua lại trao đổi với các cấp chính quyền để làm cầu nối giữa chính quyền cơ sở với người dân. Trong suốt cuộc đời mình, ông Lâm luôn là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Hiện nay gia đình ông có 9 người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó vợ ông cũng đã 45 năm theo Đảng, các con đều đã trưởng thành và có những cống hiến cho xã hội. Với bạn bè, đồng chí ông luôn chân thành, cởi mở, giúp đỡ để cùng nhau tiến bộ. Đến nay đã 88 tuổi đời và 58 tuổi Đảng, ông trở về quây quần bên con cháu, hàng ngày trò chuyện, đánh cờ với những người bạn già trong khu phố nhưng vẫn không quên dành thời gian đọc báo, nghe đài để cập nhật thông tin thời sự, kịp thời nắm bắt những đổi thay, phát triển của mọi miền đất nước. Những ngày lễ, tết hoặc dịp nghỉ cuối tuần, con cháu lại quây quần bên ngôi nhà cấp 4 đơn sơ nghe ông kể chuyện.
  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: