Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm gia đình thương binh hạng 3/4 Cà Văn Diên, ở bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch. Trò chuyện với ông được biết ông Diên sinh năm 1951, năm 1971 ông lên đường nhập ngũ, đến năm 1979 ông xuất ngũ trở về địa phương. Qua câu chuyện ông kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm và ký ức những năm tháng chiến đấu tại nước bạn Lào, rồi những vất vả của những ngày đầu xuất ngũ. Nhưng với phẩm chất của người lính cụ Hồ, mặc dù phải mang một chiếc chân giả nhưng ông vượt qua mọi khó khăn bắt tay vào làm kinh tế. Từ nguồn vốn của gia đình và vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện ông đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết hợp với khai hoang, cải tạo đất trồng cà phê, trồng rừng. Sau nhiều năm nỗ lực kiên trì, đến nay, gia đình ông đã có trên 2ha cà phê, trên 1ha rừng sản xuất, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt... trừ mọi chi phí mỗi năm gia đình ông Diên thu nhập trên 100 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi của gia đình CCB Cà Văn Diên, bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch
Trở về sau chiến tranh, bệnh binh Bùi Trọng Vệ,sinh năm 1953 mang tỉ lệ thương tật 61%, ở Tổ dân phố 4, thị trấn Mường Ảng luôn tâm niệm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Năm 1987, sau 16 năm lăn lộn khắp các chiến trường Bắc, Nam và nước bạn Lào, ông xuất ngũ trở về quê hương, nghỉ chế độ bệnh binh. Những năm đầu, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, sức khỏe yếu, nhưng với ý chí của người lính, ông động viên vợ con khắc phục khó khăn, quyết tâm phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Xét thấy lợi thế đất vườn rộng, ông Vệ tự mày mò, tìm hiểu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Qua nhiều năm tần tảo, chịu khó, đến nay ông đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi với mô hình trồng bí xãnh và dưa lê, kết hợp chăn nuôi. Mô hình kinh tế của gia đình ông cho thu nhập hàng 100 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình trồng dưa lê của gia đình bệnh binh Bùi Trọng Vệ, TDP 4, thị trấn Mường Ảng
Với cựu chiến binh Thái Hải Vân, ở bản Bua 1, xã Ẳng Tở thì luôn tâm niệm còn sức khỏe là phải làm giầu. Trò chuyện với cựu chiến binh Thái Hải Vân, ở bản Bua 1, xã Ẳng Tở được biết ông sinh năm 1956, tháng 4 năm 1974 ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Nam. Sau gần 8 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1982, ông xuất ngũ trở về địa phương. Thời gian đầu, gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhưng với phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, không lùi bước trước mọi khó khăn, thử thách, ông luôn tâm niệm có sức khỏe là phải làm giầu, ông đã chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức trên sách báo, ti vi, qua bạn bè, đồng đội về khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi. Khi đã tiếp thu được kiến thức ông đã mạnh dạn cùng với gia đình vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi lợn. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đón được thị trường tiêu thụ nên mô hình kinh tế mà ông gây dựng đã mang lại thu nhập đáng kể, trừ chi phí mỗi năm tiết kiệm được trên 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội CCB huyện Mường Ảng thăm mô hình trồng cà phê của gia đình CCB Cà Văn Diên, bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch
Hiện nay trên địa bàn huyện Mường Ảng còn rất nhiều tấm gương cựu chiến binh và những thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mặc dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để mãi xứng đáng với danh hiệu anh "Bộ đội Cụ Hồ". Có thể nói, chiến công của những người con ưu tú năm xưa và thành tích của những tấm gương tiêu biểu hôm nay thể hiện tinh thần tự lực, tự cường và ý chí khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay noi theo./.