Sớm có giải pháp hỗ trợ người trồng cà phê Mường Ảng
Thời gian đăng: 4/3/2017 7:00:00 AM
Được xác định là cây trồng chủ lực trong kinh tế nông nghiệp của huyện Mường Ảng, nhưng nhiều năm qua, do giá cà phê thế giới luôn biến động theo hướng giảm mạnh khiến người trồng cà phê lao đao. Cũng vì giá xuống thấp nên nhiều năm liên tiếp người trồng cà phê không có lãi nên không đủ tiềm lực đầu tư chăm sóc. Hệ lụy kéo theo là hàng trăm héc ta cà phê kinh doanh trên địa bàn huyện kém phát triển, có nguy cơ bị chết. Và nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không những diện tích này khó phục hồi mà sẽ thêm nhiều diện tích nữa cũng chung số phận.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, trên địa bàn huyện Mường Ảng có khoảng 70% diện tích cà phê (hơn 2.200ha) trồng trên nền đất có độ dốc từ 8 - 30o. Phần lớn những diện tích đã trồng không tạo bậc thang, không trồng theo đường đồng mức, không có băng thực vật giữ ẩm, cải tạo đất. Bên cạnh đó, hơn 70% diện tích vườn cà phê hiện chưa có cây che bóng hoặc có nhưng không đảm bảo về mật độ, tỷ lệ che bóng; việc tưới ẩm phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên và độ ẩm không khí. Vì vậy, khi cây cà phê không được đầu tư chăm sóc, nhất là diện tích cà phê kinh doanh sẽ nhanh chóng xuống cấp do đất bạc màu, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Minh chứng rõ ràng đó là tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của hơn 800ha cà phê kinh doanh, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất và sản lượng cà phê thu hái niên vụ vừa qua. Thống kê của của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho thấy, năng suất cà phê niên vụ 2016 - 2017 toàn huyện khá thấp (chỉ đạt 9,7 tạ cà phê trấu/ha), tổng sản lượng cà phê hơn 3.000 tấn, bằng 60% tổng sản lượng cà phê niên vụ 2015 - 2016 và đạt 47,6% sản lượng kế hoạch đề ra. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho rằng, cà phê là cây trồng chủ lực của huyện, nhưng trên thực tế chưa có chính sách nào hỗ trợ diện tích vườn cà phê kinh doanh khi cà phê rớt giá. Đây trở thành vấn đề nan giải với người trồng cà phê bởi thực tế không ít hộ trồng cà phê với mong muốn xóa đói giảm nghèo nên vay ngân hàng để đầu tư. Chỉ vài vụ giá cà phê xuống thấp, thu hoạch không đủ để trả lãi và gốc ngân hàng thì bà con sẽ không ""trụ"" được và sẽ không tiếp tục đầu tư chăm sóc diện tích hiện có.
Nông dân xã Ẳng Nưa chăm sóc cà phê.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê kinh doanh đang ra hoa, bà Nguyễn Thị Hồng, bản Củ (xã Ẳng Nưa) cho biết, gia đình hiện có hơn 8ha cà phê; trong đó trên 80% diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh. Để có được vườn cà phê này, nhiều năm trước bà đã vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng, làm cỏ, tỉa cành, bón phân. Vài ba năm trở lại đây khi cà phê được thu hoạch thì đúng thời gian giá cà phê giảm mạnh nên căn cơ lắm mới không phải bù lỗ; nhưng cũng chỉ đủ trả tiền vay ngân hàng, không còn tiền để đầu tư cho các hạng mục chăm sóc. Do đó, năng suất vườn cà phê vụ vừa qua chỉ bằng 40% so với năng suất cà phê những vụ trước. Bà Hồng cho rằng để cây cà phê cho năng suất, sản lượng cao phải đảm bảo quy trình kỹ thuật, sử dụng đủ lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tỉa cành, cắt lá... Do suất đầu tư cao nên dù rất muốn tiếp tục đầu tư chăm sóc nhưng không thể xoay vốn nên đành ""lực bất tòng tâm"".
Mường Ảng là ""thủ phủ"" cà phê của tỉnh và thương hiệu ""Cà phê Mường Ảng"" được nhiều người biết đến bởi hương vị thơm ngon đặc biệt. Thời gian qua, cây trồng này đã khẳng định rõ vai trò trong việc giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, do suất đầu tư cao (khoảng 114 triệu đồng/ha), trong khi Mường Ảng là huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo khá cao nên không phải hộ nào cũng có tiềm lực để trồng; bên cạnh đó, giá cà phê của huyện lại phụ thuộc vào giá cà phê trên thị trường thế giới, Nhà nước không thể điều tiết giá. Chính vì vậy, để hỗ trợ bền vững cho người trồng cà phê và giữ chất lượng vườn cà phê hiện có ông Nguyễn Hữu Hiệp, cho rằng, cần phải có giải pháp trợ lực khi giá cà phê giảm sâu (tức là xuống quá ngưỡng, người trồng cà phê phải bù lỗ) để bà con tiếp tục đầu tư chăm sóc. Các chính sách hiện áp dụng cho cây cà phê phát triển mới tập trung hỗ trợ cho việc đầu tư ban đầu (hỗ trợ cây giống, phân bón); hỗ trợ chế biến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cách làm này mới giải quyết được phần ""ngọn"", còn vấn đề mấu chốt là làm sao để vườn cà phê phát triển bền vững thì vẫn cần giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người trồng cà phê. Nếu không nguy cơ diện tích trồng cà phê sẽ dần thu hẹp, sản lượng sụt giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến vùng nguyên liệu và rất khó tiến hành các hoạt động hỗ trợ khác.
ông Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, trước thực trạng đó huyện đề xuất với ngành chức năng tham mưu với tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân khi giá cà phê giảm sâu theo hướng, trước mắt, hỗ trợ một phần chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho diện tích cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh để bà con chăm sóc giữ vườn cà phê. Có thể hỗ trợ trong 3 năm liên tục và phân loại từ đối tượng hỗ trợ theo diện tích trồng, như: Đối với nhà đầu tư, hộ gia đình, cá nhân có diện tích cà phê từ 1ha đến dưới 2ha thì hỗ trợ 50% chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích hiện có (theo định mức kỹ thuật của cơ quan chuyên môn); năm thứ 2 hỗ trợ 30% và năm thứ 3 hỗ trợ 20% chi phí để chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê. Đối với nhà đầu tư, hộ gia đình có diện tích vườn cà phê từ 2 - 5ha thì năm đầu hỗ trợ 30% chi phí vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; năm thứ 2 hỗ trợ 20% và năm thứ 3 hỗ trợ 10%. Cùng với đó cần có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, như ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng đối với các diện tích người dân trồng cà phê từ 0,1ha trở lên nằm trong vùng quy hoạch (định mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 30 triệu đồng/ha/năm)... Có như vậy, mới giúp người trồng cà phê vượt khó để phát triển vùng cà phê bền vững.