TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

XÃ ẢNG NƯA

Chào mừng quý bạn đọc đến với Cổng thông tin điện tử Huyện Mường Ảng
  • Quy định trách nhiệm của Tòa án; hòa giải viên trong dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
  • Thời gian đăng: 7/14/2020 7:00:00 AM
  • Hòa giải là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội; hòa giải thành công sẽ giúp cho việc giải quyết các tranh chấp trong đời sống xã hội một cách bền vững nhất, bởi vì hòa giải là phương pháp giải quyết mâu thuẫn với cách thức thực hiện thân thiện, đồng thuận, đề cao sự chia sẽ, đặt lợi ích tinh thần lên trên lợi ích vật chất, kết quả hòa giải thành sẽ được các bên tự nguyện thi hành.
  • Do đó, một vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh nếu hòa giải thành sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và chi phí của người dân cũng như của Nhà nước, vì người dân không phải mất chi phí khởi kiện, theo đuổi vụ kiện, chi phí thuê luật sư hoặc chi phí để tìm chứng cứ chứng minh cho yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình, chi phí thi hành án. Chính vì vậy, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện có rất nhiều Luật có quy định về hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp, cụ thể: Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ luật Lao động, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật tố tụng dân sự. Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) Quốc hội khóa XIV, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục 01 dự án Luật quy định riêng về Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Về sự cần thiết ban hành dự án Luật này, tác giả bài viết đã có một số ý kiến trao đổi. Ở bài viết này, người viết bài này xin tham gia ý kiến về một số quy định trong dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau: 1. Quy định về trách nhiệm của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại Theo dự thảo luật thì Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 01 hoạt động tiền tố tụng, độc lập với hoạt động của Tòa án nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với Tòa án mà theo thẩm quyền tố tụng thì chủ yếu là gắn liền với Tòa án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại với hòa giải viên, với hoạt động hòa giải như thế nào có 01 ý nghĩa quan trọng để bảo đảm sự khách quan, độc lập giữa Tòa án với hòa giải viên, tránh trường hợp có sự can thiệp của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại vào hoạt động hòa giải của Hòa giải viên, tránh sự lệ thuộc của Hòa giải viên vào Thẩm phán hoặc hoạt động hòa giải của Hòa giải viên chỉ mang tính hình thức... xem xét Điều 7 dự thảo Luật quy định 10 nhóm ""trách nhiệm"" của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại (có thể hiểu đây là 10 nhóm quyền, nghĩa vụ của Tòa án nơi tiến hành hòa giải) cho thấy, bên cạnh một số quyền, nghĩa vụ rõ ràng, cụ thể thì một số nhóm quyền, nghĩa vụ cần phải quy định một cách rõ rõ ràng, minh bạch hơn, cụ thể: Nhóm quyền hạn, nghĩa vụ thứ nhất: Quản lý, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên thực hiện hòa giải, đối thoại (khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật) Một trong những đặc điểm nổi bật của quy định về Hòa giải viên trong dự thảo Luật này là Hòa giải viên không thuộc biên chế của Tòa án. Hoạt động hòa giải là hoạt động tiền tố tụng. Như vậy, Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án quản lý, hỗ trợ và hướng dẫn Hòa giải viên những gì? Nội dung của hoạt động quản lý, hoạt động hỗ trợ, hoạt động hướng dẫn là những nội dung như thế nào vì Hòa giải viên không thuộc biên chế - không ràng buộc về chế độ, trách nhiệm với Tòa án? Còn nếu Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại mà cụ thể là thẩm phán trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ Hòa giải viên thực hiện việc hòa giải thì tại sao thẩm phán không chủ trì và thực hiện hòa giải luôn như quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự và như vậy thì có cần thiết phải xây dựng luật này nữa hay không vì nếu không xác định được ranh giới giữa nhiệm vụ của Thẩm phán với Hòa giải viên thì Hòa giải viên sẽ thành ""cánh tay nối dài của thẩm phán"". Do vậy, người viết bài này cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ nội dung quản lý, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên là những nội dung gì. Nhóm quyền hạn, nghĩa vụ thứ hai: Phân công Thẩm phán làm công tác hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao (khoản 8 Điều 7 dự thảo Luật) Người viết bài này cho rằng, cần xem xét lại quy định về trách nhiệm này của Tòa án nhân dân nơi tiến hành hòa giải, đối thoại, bởi lẽ, trách nhiệm của Thẩm phán chỉ phát sinh kể từ thời điểm thụ lý vụ án. Trong dự thảo Luật này, Hòa giải viên là nhân vật trung tâm chịu trách nhiệm của của việc Hòa giải, đối thoại giữa các bên, hòa giải viên không thuộc biên chế tòa án và giai đoạn hòa giải là giai đoạn tiền tố tụng. Như vậy, thẩm phán không nên can thiệp vào giai đoạn này dù ở bất cứ mức độ nào, tuy nhiên, quy định về nhóm quyền hạn, nghĩa vụ này của Tòa án đã vô tình tạo thêm việc cho thẩm phán và trái với mục đích đề ra ban đầu của chế định hòa giải. Mặt khác, tiêu chuẩn của Hòa giải viên thì có lựa chọn từ các thẩm phán, kiểm sát viên đã về hưu để tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên của những người này nhưng dự thảo Luật lại quy định Tòa án phân công Thẩm phán làm công tác hòa giải, đối thoại khi vụ án chưa thụ lý, vô hình chung đã tạo thêm việc cho thẩm phán đồng thời chồng lấn lên nhiệm vụ của Hòa giải viên. Mặt khác, việc phân công thẩm phán làm công tác hòa giải, đối thoại từ giai đoạn này có thể ảnh hưởng đến sự khách quan của thẩm phán nếu sau này vụ án hòa giải không thành và được đưa ra xét xử. Nhóm quyền hạn, nghĩa vụ thứ ba: Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan (khoản 10 Điều 7 dự thảo Luật) Người viết bài này cho rằng đây là ""quy định quét"" mà Ban soạn thảo muốn đưa vào để mang tính phòng ngừa những trường hợp mà Điều luật này chưa quy định hết. Tuy nhiên, việc quy định nhóm quyền này cần phải cân nhắc lại bởi 02 lý do sau đây: Thứ nhất, Điều 1 dự thảo Luật đã có quy định ""Luật này không điều chỉnh và không loại trừ các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được Luật khác quy định"", như vậy, theo dự thảo Luật này thì Tòa án có những nhiệm vụ quyền hạn gì trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần phải xác định rõ, còn nhiệm vụ, quyền hạn khác của Tòa án thì đã được các Luật khác quy định, không cần thiết phải quy định ở Luật này thì Tòa án mới có trách nhiệm; Thứ hai, để bảo đảm yêu cầu minh bạch thì cần rà soát lại toàn bộ dự thảo luật để quy định những ""trách nhiệm"" của Tòa án trong dự thảo Luật này ngay tại Điều 7 không thể quy định mang tính tùy nghi, mặt khác, nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án trong dự thảo Luật này dù Hòa giải được coi là giai đoạn tiền tố tụng nhưng vẫn liên quan đến quyền con người, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp cần thiết phải quy định ngay trong Luật. Xuất phát từ 02 lý do trên, người viết bài này cho rằng cần rà soát các ""trách nhiệm của Tòa án"" trong dự thảo Luật để quy định ngay trong Điều 7 dự thảo Luật, trường hợp trách nhiệm của Tòa án đã được quy định đầy đủ từ khoản 1 đến khoản 9 Điều 7, đề nghị bỏ khoản 10 Điều 7 vì khoản 10 không còn cần thiết và không rõ ràng. 2. Quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải^p Qua nghiên cứu dự thảo Luật, người viết bài này tán thành với nhiều nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Tuy nhiên, để bảo đảm sự minh bạch, có căn cứ pháp lý về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại, xin có một số ý kiến như sau: (1) Điểm d khoản 1 Điều 8 dự thảo luật quy định các bên tham gia hòa giải có quyền: ""Lựa chọn, đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định của Luật này"". Dự thảo Luật đã quy định tại Điều 13 các trường hợp mà một trong các bên tham gia hòa giải có quyền đề nghị thay đổi Hòa giải viên. Ngoài việc thay đổi Hòa giải viên thì các bên tham gia hòa giải đối thoại còn có ""quyền lựa chọn, đề nghị"" Hòa giải viên. Điều này có thể hiểu là dự thảo Luật cho phép các bên tham gia hòa giải lựa chọn Hòa giải viên cho vụ việc của mình nhưng tiêu chí nào để Hòa giải viên được lựa chọn hoặc được đề nghị thì chưa được dự thảo Luật quy định. Mặt khác, việc lựa chọn, đề nghị Hòa giải viên hòa giải cho vụ việc của mình là do một trong các bên tham gia hòa giải có quyền hay đồi hỏiphair có sự nhất trí của các bên chọn Hòa giải viên đó, trường hợp cho phép một trong các bên lựa chọn Hòa giải viên, nếu xảy ra trường hợp hai bên tham gia hòa giải lựa chọn, đề nghị 02 Hòa giải viên khác nhau thì giải quyết như thế nào cũng chưa được dự thảo Luật quy định. (2) Điểm đ khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật quy định các bên tham gia hòa giải có quyền ""Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành"". Qua nghiên cứu quy định tại Điều 22. Trình tự, thủ tục phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại; Điều 24. Biên bản ghi nhận kết quả, hòa giải đối thoại và Điều 25. Quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành, người viết bài này cho rằng không cần thiết phải quy định quyền của các bên tham gia hòa giải tại điểm đ khoản 1 Điều 8 vì việc Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải, đối thoại thành là nhiệm vụ đương nhiên của thẩm phán, là sự tiếp nối liên tục của 01 quá trình hòa giải, đối thoại. Thay vì quy định quyền trên, để bảo đảm sự thống nhất với quy định tại Điều 25 dự thảo Luật, đề nghị bổ sung ""quyền thay đổi kết quả hòa giải tại biên bản hòa giải, đối thoại trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản Hòa giải, đối thoại thành"" vì Điều 25 dự thảo Luật cho phép Thẩm phán hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản hòa giải, đối thoại mà các bên tham gia hòa giải không thay đổi ý kiến thì mới có quyền ra Quyết định công nhận Hòa giải, đối thoại thành. 3. Quy định về Hòa giải viên (Chương II dự thảo Luật) - Khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn chung của Hòa giải viên, đến khoản 2 Điều 9 quy định những người có đủ điều kiện tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên. Người viết bài này cho rằng, cần có sự điều chỉnh để phân hóa quy định về những người có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên, cụ thể như sau: Đối với những người đã từng là Thẩm phán, kiểm sát viên hoặc những người giữ chức danh tư pháp khác (ví dụ Thư ký, Thẩm tra viên thuộc ngành Tòa án; Kiểm tra viên thuộc ngành kiểm sát) họ đều là những người đã có kinh nghiêm trong giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, thậm chí họ đã giúp việc thẩm phán rất nhiều trong việc Hòa giải, đối thoại các vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo pháp luật tố tụng theo thủ tục tố tụng khi còn công tác. Vậy có cần thiết phải đòi hỏi những người này ""Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án"" không? Ngoài ra, quy định trong nội dung khoản 1 Điều 9 có sự không thống nhất, khi ở điểm b khoản 1 đòi hỏi ""Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại"" nhưng đến điểm d khoản1 Điều 9 lại quy định: ""Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án"". Như vậy, như thế nào là người có kinh nghiệm hòa giải, đối thoại? nếu 01 người được xác định là ""có kinh nghiệm hòa giải, đối thoại"" có cần thiết phải ""Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án"" nữa không? Như vậy, quy định tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật không thống nhất, thậm chí xung đột với nhau. Mặt khác, đối với những người đã từng giữ các chức danh tư pháp như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thẩm tra viên, Kiểm tra viên hoặc Luật sư để được hành nghề trước đó họ đã trải qua những chương trình đào tạo của các chức danh tư pháp, cộng với 01 thời gian dài kinh nghiệm làm thẩm phán, kiểm sát viên... nay lại đòi hỏi họ phải có ""Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án"" là không cần thiết. Nếu quy định về điều kiện ""Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án"" thì chỉ giới hạn áp dụng đối với đối tượng thuộc điểm c khoản 2 Điều 9 đó là ""Người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, có ảnh hưởng và đoực tín nhiệm cao trong cộng đồng dân cư hocặ lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội"", tuy nhiên, đối với những người này thì thay vì chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án nên bổ dưỡng cho họ một số kiến thức cơ bản về pháp luật nói chung, pháp luật dân sự, hành chính, tố tụng nói riêng. - Về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên (Điều 10 dự thảo Luật): Theo nội dung Điều 10 thì Chánh án TAND cấp tỉnh là người lựa chọn, đề xuất bổ nhiệm Hòa giải viên, còn Chánh án TANDTC là người quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên. Trong dự thảo Luật quy định về hồ sơ bổ nhiệm lại bao gồm: ""báo cáo về quá trình thực hiện công tác hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên"" (điểm b khoản 2) và ""Nhận xét, đánh giá của Tòa án về quá trình thực hiện hòa giải, đối thoại"" (điểm c khoản2). Người viết bài này cho rằng, Hòa giải viên hoạt động chủ yếu gắn với Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng nội dung 02 quy định trên lại do Chánh án TAND cấp tỉnh thực hiện, như vậy có khả năng không sát tình hình thực tế của Hòa giải viên. Mặt khác, quy định tại điểm b có thể nhập vào điểm c là đầy đủ và thể hiện rõ đó là nhận xét, đánh giá của Tòa án nơi Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ. Vấn đề này cũng không ảnh hưởng đến quyền đề xuất của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh khi bổ nhiệm Hòa giải viên. Trên đây là một số ý kiến tham gia góp ý về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của Quý vị độc giải quan tâm tới dự án Luật này./.
  • Các tin khác:
  • KIỂM TRA TIẾN ĐỘ LÀM NHÀ TỪ KINH PHÍ CỦA BỘ TÀI CHÍNH HỖ TRỢ
  • Công văn V/v thông báo Danh mục TTHC mới ban hành, TTHC bãi bỏ trong lĩnh vực gia đình thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên
  • Công văn V/v thông báo Danh mục TTHC mới ban hành; TTHC sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Người có công và lĩnh vực Trẻ em thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên
  • Thủ tướng: Đề án 06 là một trong những 'điểm sáng' của chuyển đổi số trong 2 năm qua
  • HUYỆN MƯỜNG ẢNG ĐƯA CHUYỂN ĐỔI SỐ TỚI NGƯỜI DÂN HƠN
  • CHƯƠNG TRÌNH VÙNG MƯỜNG ẢNG TRIỂN KHAI DỰ ÁN HỖ TRỢ ĐÈN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI CHO BẢN VÙNG CAO
  • CV v/v triển khai thực hiện Thông tư 16/2023/TT-BNV ngày 15/11/2023 của Bộ Nội vụ quy định mức kinh tế - kỹ thuật chỉnh lý tài liệu nền giấy
  • Công văn phối hợp tuyên truyền các quy định về cấp đổi Giấy phép lái xe
  • CV về việc công bố, công khai số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán NSĐP năm 2023, huyện Mường Ảng
  • Báo cáo Công tác thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử năm 2023
  • Trang: 
  • 361-370 of 1841<  ...  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  ...  >
  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: